Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng Cụm thi đua số VII (7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên) - TAND tối cao vừa diễn ra tại TP Tuy Hòa. Tại đây, lãnh đạo TAND các địa phương đã chia sẻ nhiều giải pháp đột phá để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TAND TỐI CAO NGUYỄN VIỆT HÙNG: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị
Kết quả phong trào thi đua năm 2024 của TAND các tỉnh thuộc Cụm thi đua số VII cho thấy toàn cụm đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, đưa ra các giải pháp phù hợp, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, các đơn vị đã giải quyết 51.336/57.420 vụ, việc, đạt tỉ lệ 89,4%; trong đó, TAND TP Kon Tum và các tỉnh Ninh Thuận, Đắk Lắk có tỉ lệ giải quyết án cao. Toàn cụm tổ chức 1.057 phiên tòa rút kinh nghiệm/565 thẩm phán, một số đơn vị vượt chỉ tiêu về phiên tòa rút kinh nghiệm như TAND tỉnh Phú Yên.
Toàn cụm có 18 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đề xuất phát triển án lệ. Các đơn vị có 8.658 câu hỏi/câu trả lời cho phần mềm trợ lý ảo. Tỉ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức dưới 1,5%, đáp ứng yêu cầu nghị quyết Quốc hội đề ra…
Mong rằng trong thời gian tới, các đơn vị trong cụm thực hiện tốt hơn nữa các phong trào thi đua do các cấp phát động, nhất là thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao về công tác này; tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì công lý”, gắn phong trào thi đua với nhiệm vụ chuyên môn, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
CHÁNH ÁN TAND TỈNH PHÚ YÊN TRẦN HUY ĐỨC: Nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế số án hủy, sửa
Thời gian qua, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh Phú Yên đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp đột phá trong công tác thi đua khen thưởng để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Năm 2024, số lượng án hành chính trên địa bàn Phú Yên có xu hướng tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.
Trước áp lực số vụ việc thụ lý tăng, trong khi biên chế không được bổ sung nhưng TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tỉ lệ giải quyết án hành chính đạt 76,5%, tăng 4,5% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, TAND hai cấp ở Phú Yên cũng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu khác liên quan đến công tác cải cách tư pháp của TAND tối cao như tổ chức các phiên tòa trực tuyến, phiên tòa rút kinh nghiệm, tương tác phần mềm trợ lý ảo…
Bên cạnh đó, TAND hai cấp đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án nổi cộm, dư luận quan tâm, án thuộc danh mục Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thường trực các huyện, thị thành ủy trong tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo không để oan sai, lọt người, lọt tội, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự trị an tại địa phương.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, TAND Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì công lý”, “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, không ngừng nâng cao chất lượng xét xử, hạn chế số án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc…, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong Nhân dân, ổn định an ninh chính trị, TTATXH tại địa phương.
CHÁNH ÁN TAND TP BUÔN MA THUỘT (TỈNH ĐẮK LẮK) NGUYỄN DUY DƯƠNG: Thực hiện tốt công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án
Thời gian qua, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tập trung làm tốt công tác hòa giải, đối thoại. Chúng tôi xác định phải làm tốt công tác này để góp phần tiết kiệm thời
gian, chi phí tố tụng, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời hạn chế tối đa những mâu thuẫn trong Nhân dân, thuận lợi cho việc thi hành án.
Để thực hiện tốt công tác này, đơn vị nêu cao vai trò, trách nhiệm của thẩm phán trong công tác hòa giải, yêu cầu từng thẩm phán khi giải quyết các loại vụ án tìm hiểu, nghiên cứu, vận dụng pháp luật nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết án nói chung và công tác hòa giải nói riêng. Trong năm, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành hòa giải thành, đối thoại thành 2.044/2.795 vụ việc, đạt tỉ lệ 73%.
Để đạt được những kết quả nói trên, TAND TP Buôn Ma Thuột đã đưa ra một số giải pháp như: Trước khi tiến hành tổ chức phiên hòa giải một vụ việc cụ thể theo trình tự tố tụng thì thẩm phán cần xác định rõ bản chất của hòa giải là một biện pháp giải quyết tranh chấp, giúp cho các bên tranh chấp thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp. Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ phải vô tư khách quan, bản thân phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp, không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần có phòng hòa giải riêng biệt, thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ, vụ việc, đồng thời lập phương án xử lý tình huống có khả năng xảy ra giữa các đương sự tại phiên hòa giải, không để không khí căng thẳng trong quá trình hòa giải, hướng đến mục đích hàn gắn mâu thuẫn một cách tốt nhất.
PHÓ CHÁNH ÁN TAND HUYỆN VẠN NINH (TỈNH KHÁNH HÒA) NGUYỄN NGỌC ẢNH: Kịp thời áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Những năm qua, đời sống người dân huyện Vạn Ninh từng bước được nâng lên; tình hình an ninh, TTATXH cơ bản được giữ vững, ổn định. Tuy nhiên, các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, TAND huyện Vạn Ninh đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan tuyên truyền, xét xử, xem xét, áp dụng biện pháp xử lý
hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc kịp thời, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị và ổn định TTATXH tại địa phương.
TAND huyện Vạn Ninh đã bám sát Chỉ thị 01/2024 của TAND tối cao, Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, giai đoạn 2019-2024, vận dụng cụ thể, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tiếp nhận, thẩm định, lập hồ sơ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đơn vị phân công thẩm phán có kinh nghiệm đảm nhiệm công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp với cơ quan hỗ trợ tư pháp bảo vệ tốt các phiên họp; tăng cường kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác này. Hàng tháng, hàng quý, đơn vị tiến hành kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết.
Với những biện pháp đã triển khai, kết quả năm 2024, TAND huyện Vạn Ninh xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 159 hồ sơ, đạt tỉ lệ 100%, vượt chỉ tiêu 1%.
Kết quả của phong trào thi đua năm 2024 của TAND các tỉnh thuộc Cụm thi đua số VII cho thấy toàn cụm đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, đưa ra các giải pháp phù hợp, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nguồn: Ngọc Dung (báo Phú Yên)